Liên kết các khâu trong chuỗi cung là nhu cầu tất yếu của bất cứ một ngành sản xuất kinh doanh nào, bao gồm cả ngành chế biến gỗ. Liên kết đem lại nhiều lợi ích, từ việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tăng tính chuyên môn hóa, giảm rủi ro, mở rộng tiếp cận thị trường và nâng cao lợi ích.
Tuy nhiên cho đến nay, liên kết trong ngành chế chế biến gỗ vẫn còn hạn chế. Một trong những lý do cơ bản là do hiện ngành gỗ còn thiếu vắng giá trị cốt lõi hình thành liên kết, đó là hệ thống yếu tố lòng tin và chia sẻ lợi ích công bằng giữa các bên tham gia. Xây dựng lòng tin cần thời gian. Chia sẻ lợi ích cần bằng cần lòng tin và môi trường xã hội và thể chế lành mạnh, khuyến khích việc xây dựng lòng tin và tạo cơ sở cho việc chia sẻ lợi ích.
Thể chế là một trong những điều kiện tiên quyết tạo ra sự thay đổi xã hội, bao gồm những thay đổi trong ngành chế biến gỗ. Thể chế/ thay đổi thể chế có thể kìm hãm hoặc khuyến khích sự hình thành và phát triển của liên kết. Ba mô hình liên kết trong ngành chế biến gỗ có tiềm năng đem lại sự thay đổi theo hướng tích cực cho ngành chế biến gỗ, bao gồm (i) liên kết giữa công ty cung cấp gỗ nguyên liệu (bao gồm cả công ty khẩu gỗ nguyên liệu) và công ty chế biến gỗ, (ii) liên kết giữa công ty chế biến gỗ và làng nghề, và liên kết giữa công ty chế biến gỗ và hộ trồng rừng. Thay đổi môi trường thể chế có thể tạo động lực cho các mô hình này phát triển. Cụ thể:
- Liên kết giữa công ty cung nguyên liệu và các công ty chế biến gỗ. Liên kết giữa 2 bên sẽ giúp tăng hiệu quả của nguồn lực đầu tư, tăng tính chuyên môn hóa, giảm rủi ro, tăng cơ hội thị trường. Môi trường thể chế cần thiết để khuyến khích mô hình này phát triển có thể bao gồm việc hình thành các chợ gỗ đầu mối hoặc thành lập các cụm công nghiệp nhằm khuyến khích cách doanh nghiệp trong ngành tập trung vào một địa bàn tập trung. Các hỗ trợ cần thiết kế theo hình thức tránh các mệnh lệnh hành chính mà đi theo hướng khuyến khích. Bên cạnh các cơ quan quản lý, các hiệp hội gỗ có vai trò rất lớn trong việc phát triển và mở rộng mô hình này.
- Liên kết giữa công ty chế biến/thương mại gỗ và các hộ thuộc làng nghề gỗ. Đây là mô hình có tiềm năng rất lớn trong việc chuyển đổi các làng nghề theo hướng tạo ra các sản phẩm gỗ hợp pháp, có chất lượng cao hơn và đẩy mạnh kênh phân phối, tập trung vào thị trường nội địa. Môi trường thể chế nên được thiết kế theo hướng phát triển thị trường nội địa, với mục tiêu người Việt dùng hàng Việt. Các cơ chế chính sách cần hỗ trợ các doanh nghiệp liên kết với các làng nghề, thông qua các hỗ trợ như đào tạo nâng cao tay nghề, thay đổi thiết kế mẫu mã, hỗ trợ kênh tiêu thụ sản phẩm. Cơ chế chính sách cũng có thể được thiết kế theo hướng tạo cầu mới về sản phẩm của liên kết, ví dụ thông qua các chính sách mua sắm công.
- Liên kết giữa công ty chế biến gỗ và hộ trồng rừng. Những thể chế mới cần được tạo ra nhằm khuyến khích mô hình này phát triển. Các cơ chế chính sách có thể bao gồm tín dụng ưu đãi cho người trồng rừng, đặc biệt cho các năm ở cuối chu kỳ phát triển của cây nhằm kéo dài chu kỳ cây, tạo rừng gỗ lớn; đẩy mạnh việc giao đất cho các hộ, thông qua việc dịch chuyển đất đai hiện đang được các công ty lâm nghiệp sử dụng không hiệu quả sang cho các hộ. Đảm bảo tính ổn định và hạn chế các rủi ro trong các hợp đồng giữa công ty và hộ thông qua việc đẩy mạnh vai trò của chính quyền địa phương và các hiệp hội.
Thay đổi thể chế góp phần thúc đẩy các mô hình phát triển. Điều này sẽ tạo được những hiệu ứng lan tỏa trong ngành, góp phần nâng cao hiệu quả của ngành chế biến gỗ, đi theo hướng tăng trưởng về chất lượng và bền vững trong tương lai./.